-
- Assign a menu in Theme Options > Menus WooCommerce not Found
- Newsletter
(kindnessgroup.vn) – Đa số các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023. Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2023 của Liên hợp quốc (UNDESA) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 2,3% năm 2023, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành 21/6/2023 của Fitch Ratings (FR) nhận định tăng trưởng toàn cầu đang cho thấy khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, FR dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 2,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023, đạt 2,8%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2023.
Tại khu vực Đông Nam Á, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á tháng 4/2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của một số quốc gia như sau: In-đô-nê-xi-a 4,8%, Ma-lai-xi-a 4,7%, Phi-li-pin 6,0%, Thái Lan 3,3%, Xin-ga-po 2,0% và Việt Nam 6,5%. So với dự báo trong tháng 12/2023, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin, điều chỉnh tăng cho Ma-lai-xi-a và Việt Nam lần lượt là 0,4 và 0,2 điểm phần trăm, trong khi đó điều chỉnh giảm lần lượt 0,7 và 0,3 điểm phần trăm đối với dự báo tăng trưởng GDP của Thái Lan và Xin-ga-po.
I. DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU
1. Đa số các tổ chức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo từ đầu năm
Ngân hàng Thế giới (WB)
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự báo đạt 0,7% do chính sách tiền tệ thắt chặt, điều kiện tín dụng ít thuận lợi hơn, thị trường lao động yếu đi và giá năng lượng vẫn còn cao. Tốc độ tăng trưởng chung năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự báo đạt 4% nhờ phục hồi ở Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế di chuyển nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch. Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự báo chỉ đạt 2,9% trong năm 2023.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 6/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm, nhưng triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn yếu và lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo đạt 2,7%, tốc độ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trừ năm 2020 do đại dịch Covid-19 hoành hành. Tăng trưởng của các quốc gia OECD được dự báo đạt 1,4% trong năm 2023 khi lạm phát tăng vừa phải và tăng trưởng thu nhập thực tế tăng lên. Đầu tư kinh doanh dự kiến sẽ đình trệ ở khu vực OECD, đầu tư nhà ở dự kiến sẽ giảm ở nhiều nền kinh tế. Tăng trưởng GDP chung được duy trì nhờ sự gia tăng ổn định trong tiêu dùng cá nhân và chi tiêu cuối cùng của chính phủ. Bất kỳ cú sốc tiêu cực nào đối với tâm lý hoặc thu nhập của hộ gia đình, hoặc sự phát triển kém của thị trường lao động, sẽ dẫn đến tăng trưởng yếu hơn trong tương lai.
Liên hợp quốc (UNDESA)
Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2023, Liên hợp quốc (UNDESA) cho rằng những bất ổn và triển vọng tăng trưởng yếu tiếp tục tác động đến nền kinh tế thế giới. Sự kết hợp của các yếu tố như đại dịch Covid-19, xung đột kéo dài ở U-crai-na, tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu đã khiến nhiều quốc gia đối mặt với suy giảm tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2023 được UNDESA dự báo đạt 2,3%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 02/2023, chủ yếu nhờ chi tiêu hộ gia đình tăng ở các nền kinh tế lớn, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, cũng như phục hồi kinh tế ở Trung Quốc.
Fitch Ratings (FR)
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu phát hành 21/6/2023 của Fitch Ratings (FR) nhận định tăng trưởng toàn cầu đang cho thấy khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, FR dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 đạt 2,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023. Tuy nhiên, do lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao nên các ngân hàng trung ương sẽ phải tiếp tục thắt chặt chính sách trong những tháng tới.
Các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi (trừ Trung Quốc) cho thấy triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo tăng 0,9 điểm phần trăm lên mức 2,9% trong năm 2023. Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến trong Quý I/2023 khiến dự báo của quốc gia này được điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023, đạt 5,6% trong năm 2023. FR cũng nâng dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ cho năm 2023 từ 1,0% lên 1,2% do tăng trưởng tiêu dùng và việc làm vẫn mạnh mẽ. Thắt chặt chính sách của Cục dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái nhẹ vào Quý IV/2023 và Quý I/2024. Dự báo tăng trưởng của Eurozone cho năm 2023 không đổi ở mức 0,8%. Khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm bớt nhưng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu một lần nữa lại ở thời điểm vô cùng bất định, do tác động cộng dồn của những cú sốc bất lợi như đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga vào U-crai-na trong ba năm qua. Nhu cầu bị dồn nén, gián đoạn nguồn cung kéo dài và giá cả hàng hóa tăng đột biến, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2022, khiến các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu và giữ cho kỳ vọng lạm phát ở mức cố định. Sự sụp đổ bất ngờ của hai ngân hàng ở Hoa Kỳ vào giữa tháng 3/2023 và mất niềm tin vào ngân hàng Credit Suisse, một ngân hàng có tầm quan trọng toàn cầu, khiến thị trường tài chính chao đảo khi những người gửi tiền vào ngân hàng và các nhà đầu tư đánh giá lại mức độ an toàn của các tài sản đang nắm giữ và chuyển hướng khỏi các tổ chức và quỹ đầu tư được cho là dễ bị tổn thương.
Theo IMF, so với dự báo trong tháng 01/2023, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 dự báo đạt 2,8%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến đạt 1,3% năm 2023, cao hơn 0,1 điểm phần trăm. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ suy giảm tăng trưởng trong năm 2023. Đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, triển vọng kinh tế mạnh hơn so với các nền kinh tế phát triển, nhưng không đồng đều ở các khu vực. Trung bình, mức tăng trưởng của các nền kinh tế này đạt 3,9% vào năm 2023, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023.
Hình 1. Đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và dự báo 2023 của các tổ chức quốc tế
Nguồn: WB, IMF, OECD, UNDESA và FR
2. Tổng quan biến động thị trường thế giới
Thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm trong năm 2023
Theo báo cáo Triển vọng và thống kê thương mại toàn cầu xuất bản tháng 4/2023, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, theo sau đà sụt giảm trong Quý IV/2022. Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, nhưng tốc độ mở rộng thương mại năm 2023 dự kiến vẫn ở mức dưới trung bình do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở U-crai-na, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính.
Theo số liệu công bố ngày 30/5/2023, Thước đo thương mại hàng hóa của WTO đạt 95,6, cao hơn so với mức 92,2 trong tháng 3/2023 nhưng vẫn thấp hơn giá trị cơ bản 100. Tuy nhiên, các tín hiệu hỗn hợp trong các chỉ số thành phần của Thước đo cho thấy con đường phục hồi thương mại có thể gập ghềnh. Cụ thể, chỉ số sản phẩm ô tô (110,8) tăng vững chắc nhờ doanh số bán hàng mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và châu Âu. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu (102,7) cũng tăng trên mức cơ sở mặc dù xung đột tại U-crai-na vẫn tiếp diễn. Ngược lại, các chỉ số thấp như vận tải container (89,4), vận tải hàng không (93,5) và linh kiện điện tử (85,2) cho thấy tín hiệu suy yếu. Trong khi đó, chỉ số nguyên vật liệu (99,0) ở ngay dưới mức cơ sở. Sự kết hợp của các chỉ số tích cực và tiêu cực làm cho triển vọng ngắn hạn không chắc chắn.
WB[1] nhận định tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Yếu kém diễn ra trên diện rộng khi nhập khẩu giảm ở tất cả các nền kinh tế lớn. Chỉ số PMI tháng 4/2023 báo hiệu thương mại hàng hóa tiếp tục suy yếu khi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục bị thu hẹp tháng thứ 14 liên tiếp. Ngược lại, thương mại dịch vụ tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, với chỉ số PMI đơn hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực dịch vụ đạt 52,2 điểm vào tháng 4/2023, mức cao nhất trong chuỗi 8 năm gần đây. Thương mại dịch vụ tăng trưởng sau khi nới lỏng các hạn chế di chuyển sau đại dịch. Lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2023 dự báo sẽ đạt 95% so với năm 2019.
Giá năng lượng và hàng hóa có xu hướng giảm trong năm 2023
WB nhận định sau khi tăng trong tháng 4/2023, hầu hết giá hàng hóa đều đảo chiều giảm trong tháng 5/2023. Giá dầu thô Brent đã tăng lên khoảng 80 đô la Mỹ/thùng vào tháng 4/2023 sau thông báo cắt giảm sản lượng 1,66 triệu thùng/ngày của OPEC+ nhưng đã giảm ngay sau đó, xuống dưới 70 đô la Mỹ/thùng trong tháng 5/2023. Giá dầu giảm phản ánh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng thị trường tài chính.
Tương tự, nhiều kim loại tăng giá vào đầu năm do lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, nhưng sau đó đã giảm mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2019. Giá giảm phản ánh sự phục hồi của nguồn cung sau gián đoạn sản xuất vào năm 2022, cũng như nhu cầu toàn cầu giảm. Giá kim loại có thể cao hơn nếu lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự kiến hoặc nếu tình trạng gián đoạn nguồn cung vẫn tiếp diễn. Giá vàng là một ngoại lệ khi tăng lên đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4 và tháng 5/2023, thể hiện vai trò neo giữ trước sự không chắc chắn của nền kinh tế thế giới.
Giá nông sản dự kiến sẽ giảm trong năm 2023 do sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu dự kiến sẽ tăng. Tuy nhiên, giá lương thực đã tăng nhanh hơn đáng kể so với lạm phát kể từ sau đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia do đồng tiền yếu đi và giao thông gián đoạn. Thời tiết bất lợi (bao gồm cả hiện tượng El Nino), hạn chế chính sách thương mại và chi phí năng lượng cao hơn là những rủi ro chính đối với sản xuất nông nghiệp. Mất an ninh lương thực vẫn là một thách thức nghiêm trọng ở một số nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, phản ánh thời tiết khắc nghiệt, xung đột địa chính trị và rào cản thương mại. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FFPI) cho thấy xu hướng giảm trong tháng 5/2023 khi đạt trung bình 124,3 điểm, giảm 3,4 điểm (2,6%) so với tháng 4/2023. Mức giảm trong tháng 5/2023 chủ yếu do chỉ số giá dầu thực vật, ngũ cốc và sữa sụt giảm đáng kể, trong khi chỉ số đường và thịt lại tăng.
WB nhận định lạm phát toàn cầu vẫn cao nhưng đang giảm. Lạm phát toàn cầu trung bình so với cùng kỳ năm trước ở mức 7,2% trong tháng 4/2023, giảm so với mức cao nhất 9,4% trong tháng 7/2022. Dự kiến, lạm phát ở các quốc gia lớn sẽ giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ lạm phát giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại. Giảm lạm phát dự kiến phản ánh giá nhiên liệu và hàng hóa phi nhiên liệu giảm cùng với tác động của việc thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt
Theo WB, điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt, do tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Hoa Kỳ cuối tháng 4/2023. Chỉ số giá cổ phiếu của các ngân hàng tại Hoa Kỳ đã giảm hơn 30% từ đầu năm 2023, phản ánh những lo ngại về dòng tiền gửi chảy ra, làm suy yếu tăng trưởng của Hoa Kỳ. Các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng Hoa Kỳ đã được thắt chặt hơn rất nhiều trong những quý gần đây. Tại châu Âu, ngân hàng Credit Suisse đã chịu áp lực thị trường mạnh mẽ vào tháng 3/2023 và bị chính phủ Thụy Sỹ tiếp quản khẩn cấp. Căng thẳng trong hoạt động ngân hàng đã làm gia tăng biến động của thị trường tài chính khi lợi suất trái phiếu hai năm của Hoa Kỳ và giá cổ phiếu ngân hàng giảm. Đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, lãi suất cao hơn ở các nền kinh tế phát triển khiến việc đi vay trở nên tốn kém, đồng thời sự thận trọng từ các nhà đầu tư gián tiếp đã gây áp lực lên dòng vốn đầu tư vào các quốc gia này trừ Trung Quốc.
IMF cho rằng các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt. Ở nhiều quốc gia, khu vực tài chính sẽ vẫn rất dễ bị tổn thương trước sự gia tăng rõ rệt của lãi suất. Trong kịch bản suy thoái nghiêm trọng, hoạt động cho vay của ngân hàng tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác có thể giảm mạnh. Niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tiết kiệm dự phòng của hộ gia đình cao hơn và đầu tư thấp hơn. Suy thoái ở các nền kinh tế phát triển sẽ lan sang phần còn lại của thế giới do nhu cầu nhập khẩu và giá hàng hóa thấp hơn. Tương tự như các giai đoạn căng thẳng tài chính toàn cầu trước đây, điều này sẽ dẫn tới dòng vốn chảy ra trên diện rộng khỏi các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, khiến đồng đô la tăng giá hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương ở các nền kinh tế có nợ nước ngoài bằng đồng đô la.
Triển vọng thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch
Theo báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới tháng 5/2023, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại các nước đang phát triển, việc ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay (hay còn gọi là “đa khủng hoảng”) bị hạn chế bởi sự kết hợp giữa lạm phát cao và lãi suất cao, cùng với khó khăn về nợ ngày càng tăng. ILO dự báo các quốc gia có thu nhập thấp, châu Phi và các quốc gia Ả Rập khó có thể phục hồi mức thất nghiệp trước đại dịch trong năm 2023. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức đại dịch vào năm 2023, nhưng điều này phản ánh khả năng phục hồi mạnh hơn dự kiến ở các quốc gia có thu nhập cao. Trong năm 2023, khoảng cách việc làm[2] toàn cầu được dự báo là 453 triệu người (tương đương 11,7%), cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ thất nghiệp. Các quốc gia có thu nhập thấp phải đối mặt với tỷ lệ khoảng cách việc làm lớn nhất, ở mức 21,5%, trong khi tỷ lệ này ở các nước có thu nhập trung bình là hơn 11%. Các quốc gia có thu nhập cao đạt lệ thấp nhất, ở mức 8,2%.
Một số nhân tố rủi ro tác động tới triển vọng kinh tế thế giới
WB chỉ ra ba nhân tố rủi ro chính làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gồm:
Thứ nhất, căng thẳng tài chính. Một cuộc khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng có thể sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể và dai dẳng. Mức độ tổn thất trung bình xung quanh các cuộc khủng hoảng ngân hàng được ước tính chiếm 1/3 giá trị sản xuất ở các nền kinh tế có thu nhập cao và 14% ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Khủng hoảng tài chính cũng ảnh hưởng dài hạn đến năng suất thông qua nhiều kênh, trong đó rõ ràng nhất là thông qua đầu tư khi thu nhập, niềm tin và khả năng tiếp cận tài chính của công ty giảm đi trong khi bất ổn gia tăng. Hơn nữa, một cuộc khủng hoảng ngân hàng ở các nền kinh tế lớn sẽ tác động lan tỏa toàn cầu thông qua các mối liên kết và niềm tin tài chính xuyên biên giới.
Thứ hai, lạm phát cao liên tục, chính sách tiền tệ thắt chặt thêm. Dự báo lạm phát đã được điều chỉnh tăng đáng kể trong những năm gần đây và áp lực gia tăng lạm phát vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới. Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa. Gián đoạn nguồn cung dầu do xáo trộn địa chính trị có thể tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu. Giá năng lượng cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên. Một động lực tương tự có thể xảy ra nếu nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến. Cú sốc đối với lạm phát toàn cầu sẽ khiến các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ hơn dự kiến và áp dụng lãi suất chính sách cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này sẽ dẫn đến suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Thứ ba, tăng trưởng dài hạn yếu hơn dự kiến. Tăng trưởng tiềm năng toàn cầu dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua. Xu hướng này do nhiều nguyên nhân như: lực lượng lao động toàn cầu đang già đi và tăng trưởng chậm hơn, tốc độ tăng trưởng đầu tư và năng suất nhân tố tổng hợp đang giảm. Hạn chế đối với thương mại quốc tế ngày càng tăng cho thấy tăng trưởng dài hạn cũng có thể bị suy yếu do gia tăng phân mảnh địa chính trị và kinh tế. Căng thẳng địa chính trị gia tăng hơn có thể dẫn đến các thị trường tài chính, thương mại, lao động và hàng hóa ngày càng bị phân chia thành các khối khu vực. Việc giảm phổ biến công nghệ, hiệu quả phân bổ vốn và nguồn lực sẽ dẫn đến giảm năng suất, tăng giá, khiến cho tăng trưởng dựa vào xuất khẩu trở nên khó đạt được hơn. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc phát sinh từ biến đổi khí hậu. Các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và bão gió đang trở nên thường xuyên hơn và sẽ gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Trong ngắn hạn, mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng của các thảm họa liên quan đến khí hậu sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể về con người, thông qua mùa màng thất bát, cơ sở hạ tầng bị hư hại, hoạt động bị gián đoạn trên diện rộng và tình hình tài chính của chính phủ trở nên tồi tệ hơn. Những thay đổi về khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở những vùng có số lượng lớn nông dân tự cung tự cấp, những người thiếu nguồn lực để dễ dàng điều chỉnh sản xuất.
II. TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
1. Hoa Kỳ
Theo WB[3] tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ dự báo sẽ yếu đi đáng kể trong cả năm 2023 và đầu năm 2024, chủ yếu do tác động trễ của tăng mạnh lãi suất chính sách hơn một năm rưỡi qua nhằm hạ thấp tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Các số liệu ước tính dựa trên mô hình cho thấy tác động lớn nhất của việc thắt chặt chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng có thể xảy ra vào năm 2023. Tiêu dùng đã phục hồi nhưng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể. Chi phí đi vay cao hơn cùng với điều kiện tài chính thắt chặt hơn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của hộ gia đình khi phần lớn tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch đã cạn kiệt. Tiêu dùng và đầu tư dân cư giảm tốc có thể sẽ làm suy yếu hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, WB dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ đạt 1,1% năm 2023, giảm 1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2022 nhưng điều chỉnh tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023.
Trong báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới giữa năm 2023, UNDESA dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 1,1% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2023. Kết quả này phần lớn là do chi tiêu hộ gia đình tốt hơn dự kiến và khả năng phục hồi kinh tế trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù có những điểm sáng trong phục hồi kinh tế nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Tình trạng hỗn loạn gần đây của ngành ngân hàng, mặc dù đã được các cơ quan quản lý nhanh chóng ngăn chặn, nhưng đã bộc lộ những lỗ hổng tài chính khi lãi suất tăng nhanh. Về thị trường sản phẩm và dịch vụ, nguồn cung không theo kịp nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng, dẫn đến áp lực tăng giá liên tục và các lựa chọn chính sách tiền tệ phức tạp. Giá cao thường khuyến khích cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, góp phần làm giảm áp lực giá, nhưng đến nay việc này vẫn chưa xảy ra, phần nào phản ánh những hạn chế của thị trường lao động. Hơn nữa, lãi suất cao hơn và điều kiện thị trường tín dụng chặt hơn sẽ tiếp tục hạn chế nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Những đợt điều chỉnh giá sẽ làm suy yếu các hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm và góp phần đẩy nền kinh tế suy thoái vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế toàn cầu của tổ chức OECD, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2023 dự báo đạt 1,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP năm 2022 nhưng điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo OECD đưa ra trong tháng 3/2023.
IMF[4] dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2023 đạt 1,6%, điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023.
Hình 2. Đánh giá tăng trưởng của Hoa Kỳ năm 2022 và dự báo năm 2023
Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA
Theo Trading Economics, chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 5/2023 đạt 54,3 điểm, cao hơn so với mức 53,4 điểm của tháng 4/2023. Chỉ số này phản ánh mức tăng nhanh nhất của các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ hơn một năm qua, bù đắp cho tăng trưởng yếu đi của lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo. Tổng số doanh nghiệp mới tiếp tục tăng, mặc dù thương mại hàng hóa quốc tế giảm mạnh, việc làm tăng với tốc độ vững chắc và lượng công việc tồn đọng giảm đi kèm với áp lực lạm phát giảm.
Trading Economics[5] dự báo tăng trưởng GDP Quý II/2023 của Hoa Kỳ tăng 1,6% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
2. Khu vực đồng Euro
UNDESA dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro đạt 0,9% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,8 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2023.
Theo WB, GDP khu vực đồng Euro tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo vào đầu năm do thời tiết ấm hơn và giá khí đốt tự nhiên giảm. WB dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro đạt 0,4% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2023.
Theo OECD, tăng trưởng GDP khu vực đồng Euro dự báo đạt 0,9% năm 2023 và tăng dần lên mức 1,5% năm 2024 sau khi đạt tăng trưởng 3,5% năm 2022. Tăng trưởng GDP năm 2023 được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 03/2023. Tiêu dùng tư nhân được thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ, tuy nhiên chi phí tài chính cao hơn và bất ổn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân. Giá năng lượng và lương thực thấp hơn giúp giảm lạm phát chung vào năm 2023, nhưng lạm phát cơ bản vẫn tăng cao. Rủi ro tiêu cực vẫn còn tiềm ẩn khi nguy cơ tăng đột biến giá năng lượng xảy ra có thể châm ngòi cho khủng hoảng năng lượng và chính sách tiền tệ hạn chế có thể làm lộ ra các lỗ hổng của khu vực tài chính. Những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng Hoa Kỳ không lây lan trực tiếp sang khu vực đồng Euro, tuy nhiên, căng thẳng thị trường tài chính đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về giá vốn cổ phần của ngân hàng, làm tăng chi phí vốn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
IMF dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2023 đạt 0,8%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2023. Mức dự báo tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP 3,5% năm 2022 của khu vực này.
Hình 3. Đánh giá tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2022 và dự báo năm 2023
Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA
Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 5/2023 của khu vực đồng Euro điều chỉnh giảm từ mức ước tính sơ bộ 53,3 điểm xuống còn 52,8 điểm và thấp hơn mức 54,1 điểm của tháng 4/2023. Chỉ số này đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng chậm lại kể từ khi hoạt động kinh tế bắt đầu tăng trở lại vào đầu năm 2023. Hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng nhưng tốc độ đã chậm lại, trong đó ngành sản xuất, chế biến chế tạo giảm do số lượng đơn đặt hàng giảm nhanh chóng.
Theo Trading Economics[6], GDP Quý II/2023 của khu vực đồng Euro dự báo tăng 0,3% so với Quý I/2023 và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
3. Nhật Bản
Theo WB, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ chậm lại, đạt 0,8% năm 2023 sau khi đạt 1,0% trong năm 2022. WB điều chỉnh giảm dự báo kinh tế Nhật Bản xuống 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023 do các hiệu ứng trễ của thắt chặt chính sách tiền tệ đồng loạt ở các nền kinh tế lớn đã đè nặng lên nhu cầu bên ngoài. Mặc dù áp lực về giá dự báo sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023 nhưng sự yếu kém dai dẳng trong tăng trưởng tiền lương thực tế sẽ kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng.
OECD dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản tăng 1,3% năm 2023, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023 chủ yếu do tác động của nhu cầu trong nước.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,3%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023 nhưng cao hơn mức tăng trưởng GDP 1,1% của năm 2022.
Theo UNDESA tăng trưởng GDP năm 2023 của Nhật Bản dự báo đạt 1,2% năm 2023, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023 nhưng tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP năm 2022 (1,1%).
Hình 4. Đánh giá tăng trưởng của Nhật Bản năm 2022 và dự báo năm 2023
Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 5/2023 của Nhật Bản đạt 54,3 điểm, thấp hơn 0,6 điểm so với số sơ bộ 54,9 điểm đưa ra trước đó và cao hơn nhiều so với mức 52,9 điểm của tháng 4/2023, phản ánh hoạt động của khu vực tư nhân đã tăng trưởng tháng thứ năm liên tiếp, đạt tốc độ cao nhất kể từ tháng 10/2013 và là tháng tăng mạnh thứ hai trong lịch sử số liệu, khi nền kinh tế phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra và đã đạt được đà tăng trưởng. Lĩnh vực dịch vụ tăng với tốc độ cao kỷ lục trong tháng thứ hai liên tiếp, trong khi ngành sản xuất, chế biến chế tạo tăng trưởng trở lại lần đầu tiên sau 11 tháng. Đơn đặt hàng mới tăng kỷ lục. Bên cạnh đó, việc làm tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2017. Lạm phát chi phí đầu vào giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, trong khi lạm phát giá cả đầu ra lần đầu tiên chậm lại kể từ tháng 01/2023.
Theo Trading Economics[7], GDP Quý II/2023 của nền kinh tế Nhật Bản dự báo tăng 0,5% so với quý trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
4. Trung Quốc
Theo UNDESA, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo đạt 5,3% năm 2023, điều chỉnh tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023, tăng 2,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,0% của năm 2022.
WB nhận định hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã phục hồi từ đầu năm 2023 do chính sách tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến đã thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu vào các hoạt động liên quan đến dịch vụ. Lĩnh vực bất động sản bắt đầu tăng trưởng trở lại sau suy thoái kéo dài nhờ các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ thanh khoản cho các nhà phát triển nhà ở và các biện pháp để đảm bảo hoàn thành các dự án dang dở. Mặc dù thương mại hàng hóa vẫn trầm lắng nhưng WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ hồi phục lên mức 5,6% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 1,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Đầu tư dự báo chỉ tăng khiêm tốn khi các gói kích cầu liên quan đến cơ sở hạ tầng giảm dần và mức nợ cao ảnh hưởng đến sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản.
OECD nhận định việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa hạn chế lây lan dịch Covid-19 đã giải phóng nhu cầu trong nước bị dồn nén đối với các dịch vụ trực tiếp, làm tăng doanh thu cho các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do phong tỏa như du lịch và hoạt động giải trí. Việc nới lỏng các quy định an toàn liên quan đến nhà ở và chi phí thế chấp thấp hơn đã giúp ổn định doanh số kinh doanh bất động sản. Việc chuyển giao các dự án cơ sở hạ tầng lớn từ năm trước sẽ thúc đẩy sự bùng nổ xây dựng. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bị kìm hãm do nhu cầu toàn cầu yếu. Lạm phát giá tiêu dùng sẽ vẫn ở mức vừa phải do nhu cầu trong nước chưa phục hồi nhiều. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 đạt 5,4%, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2023.
Trong báo cáo chính sách và triển vọng toàn cầu tháng 4/2023, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 ở mức 5,2%, không điều chỉnh so với dự báo đưa ra tháng 01/2023. Việc tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến đã giúp cho kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng.
Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 5/2023 đạt 55,6 điểm, tăng 2,0 điểm so với 53,6 điểm trong tháng 4/2023, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ năm liên tiếp trong hoạt động của khu vực tư nhân và là tốc độ tăng cao nhất kể từ tháng 12/2020. Đơn đặt hàng mới tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua, mặc dù tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu vẫn ở mức thấp.
Theo Trading Economics[8], GDP Quý II/2023 của nền kinh tế Trung Quốc tăng 1,5% so với Quý I/2023 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Hình 5. Đánh giá tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 và dự báo năm 2023
Nguồn: IMF, OECD, WB, UNDESA
5. Đông Nam Á
Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 4/2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng khu vực Đông Nam Á dần bình thường hóa sau khi phục hồi mạnh vào năm 2022. ADB dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2023 đạt 4,7%, giảm so với mức 5,6% của năm 2022. Sự phục hồi liên tục này phần lớn là do mở cửa kinh tế trở lại của Đông Nam Á. Các quốc gia có du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong GDP sẽ được hưởng lợi từ sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là Cam-pu-chia, Phi-lip-pin và Thái Lan. Những thuận lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ được bù đắp một phần bởi các điều kiện tiền tệ thắt chặt. Xuất khẩu yếu phần nào kéo tụt đà tăng trưởng, do nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển tiếp tục chuyển hướng từ hàng hóa, đặc biệt là điện tử, sang dịch vụ. Tuy nhiên, Việt Nam đi ngược lại xu hướng này với xuất khẩu dự kiến sẽ tăng nhờ đầu tư nước ngoài vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Nền kinh tế Việt Nam được được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, đạt mức 6,5% trong năm 2023.
Tại Cam-pu-chia, kinh tế tiếp tục phục hồi mặc dù nhu cầu bên ngoài yếu. Nền kinh tế dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,5% năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ hơn của ngành du lịch. Tăng trưởng các mặt hàng may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch được dự báo sẽ giảm do nhu cầu suy yếu ở Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới và cải cách chính sách bao gồm luật đầu tư mới để tạo ra một tổ chức dịch vụ một cửa cho các nhà đầu tư.
Tăng trưởng năm 2023 của In-đô-nê-xi-a được dự báo đạt 4,8%, nhưng vẫn thấp hơn mức 5,3% trong năm 2022. Lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống mức 3% vào năm 2024, nằm trong mục tiêu của ngân hàng trung ương từ 2% – 4%. Tăng trưởng xuất nhập khẩu khoảng 6%, du lịch phục hồi trở lại mức trước đại dịch. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thặng dư trong năm 2023. Các biện pháp như quy tắc chống phá rừng của Liên minh châu Âu và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của In-đô-nê-xi-a.
Tăng trưởng GDP của Lào được dự báo đạt 4,0% trong năm 2023. Việc mở lại biên giới của Trung Quốc và tăng cường hoạt động của tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc sẽ hỗ trợ quá trình phục hồi. Đầu tư mới và liên tục từ các dự án cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân, bao gồm các khu công nghiệp và năng lượng tái tạo, sẽ hỗ trợ hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao cùng với lãi suất, làm giảm tiêu dùng và đầu tư trong nước. Không gian tài chính hạn chế sẽ tiếp tục cản trở quá trình phục hồi. Du lịch và logistics sẽ thúc đẩy phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.
Triển vọng kinh tế năm 2023 của Ma-lai-xi-a phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tác động lan tỏa từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, hỗ trợ chính sách của chính phủ và sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử. Suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát dai dẳng và việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ tiếp tục tăng lãi suất làm giảm triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, tác động tích cực từ tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, sự phục hồi của ngành du lịch và sự hỗ trợ của chính phủ để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và kiểm chế lạm phát phần nào bù đắp cho những bất lợi từ môi trường bên ngoài. GDP của Ma-lai-xi-a năm 2023 dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7%. Tiêu dùng tư nhân được dự đoán sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính, tăng trung bình 5,6% vào năm 2023. Tâm lý người tiêu dùng đã sáng sủa hơn nhờ kỳ vọng về thu nhập và việc làm được cải thiện. Triển vọng đầu tư được dự báo sẽ tích cực do đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng theo các sáng kiến tự động hóa và số hóa cũng như triển khai cơ sở hạ tầng 5G. Chính phủ đặt mục tiêu khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao và cơ cấu lại các ưu đãi đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm như điện, điện tử và hàng không vũ trụ. Dịch vụ sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng khi lượng khách du lịch tăng lên và hoạt động kinh tế quay trở lại các điều kiện trước đại dịch, thúc đẩy hơn nữa các dịch vụ tiêu dùng và giải trí. Chính phủ có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng và tiêu dùng trong nước và tăng cường tính bền vững tài chính. Ngân sách năm 2023 là 386,1 tỷ RM, tăng 16,3% so với năm trước, để tài trợ cho các chương trình xóa đói giảm nghèo và cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng cũng như cơ sở vật chất nông thôn. Nợ quốc gia được dự báo sẽ đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ RM, vượt 60% GDP. Mặt khác, triển vọng có thể cải thiện với lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc cao hơn và doanh thu cao hơn từ giá dầu mỏ và một số hàng hóa khác. Rủi ro đối với tăng trưởng của Ma-lai-xi-a là xuất khẩu có khả năng bị thu hẹp do nhu cầu toàn cầu chậm lại đối với ngành điện và điện tử. Đồng thời, căng thẳng địa chính trị ngày càng trầm trọng có thể làm gián đoạn nguồn cung và làm tăng thêm chi phí thương mại.
Tăng trưởng của Phi-li-pin dự báo sẽ vẫn mạnh, mặc dù bị chậm lại bởi suy giảm toàn cầu, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tăng trưởng GDP được dự báo đạt 6,0% năm 2023. Tiêu dùng và đầu tư tư nhân sẽ tiếp tục mở rộng, mặc dù đã giảm bớt so với tốc độ nhanh của năm 2022. Chi tiêu hộ gia đình sẽ được thúc đẩy nhờ việc làm tăng và kiều hối ổn định từ người lao động Phi-li-pin ở nước ngoài. Giảm thuế thu nhập vào năm 2023 đối với hầu hết người lao động sẽ tạo ra động lực thúc đẩy hơn nữa cho tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 6,4% trong tháng 01/2022 xuống 4,8% trong tháng 01/2023, thấp hơn so với mức trước đại dịch. Thêm 4,1 triệu việc làm đã được tạo ra trong năm 2023, phần lớn trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là thương mại bán buôn và bán lẻ, vận tải, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp cũng tăng nhưng ở mức độ thấp hơn. Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ, chiếm khoảng 60% GDP, dự kiến sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Tiêu dùng cá nhân sẽ củng cố thương mại bán lẻ, trong khi lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng sẽ mang lại lợi ích cho một loạt dịch vụ, đáng chú ý nhất là khách sạn và nhà hàng, vận tải và thông tin liên lạc. Trong năm 2023, Phi-li-pin kỳ vọng du lịch nội địa sẽ phục hồi về mức của năm 2019 và du lịch quốc tế nhắm mục tiêu đón ít nhất 4,8 triệu du khách, gần gấp đôi lượng khách vào năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 8,3 triệu lượt trước đại dịch. Triển vọng ngành xây dựng và công nghiệp vẫn thuận lợi, được củng cố bởi nhu cầu trong nước. Trong năm 2023, chi tiêu chính phủ được dự toán cao hơn 4,9% so với năm 2022 để chi trả cho các chương trình xã hội, cơ sở hạ tầng và quản lý rủi ro thiên tai. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng được dự báo ở mức 5,0%–6,0% GDP trong năm 2023. Vào tháng 3/2023, chính phủ đã phê duyệt danh sách 194 dự án ưu tiên có tác động lớn với tổng trị giá khoảng 165 tỷ đô la để tăng cường hơn nữa chương trình cơ sở hạ tầng của Phi-li-pin. Thâm hụt tài khoản vãng lai được thu hẹp, phần nào phản ánh gia tăng xuất khẩu dịch vụ. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa dự kiến sẽ ở mức vừa phải vào năm 2023 do triển vọng đối với các thị trường lớn bên ngoài không đồng đều. Rủi ro với nền kinh tế Phi-li-pin trong thời gian tới là sự suy giảm mạnh hơn ở các nền kinh tế phát triển, căng thẳng địa chính trị gia tăng và giá hàng hóa toàn cầu cao hơn kỳ vọng.
Xin-ga-po sẽ tăng trưởng vừa phải ở mức 2,0% vào năm 2023 do sản xuất chậm lại và nhu cầu bên ngoài suy yếu. Động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến du lịch khi du lịch hàng không quốc tế và du lịch trong nước dự kiến sẽ phục hồi để tăng tốc sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính trì trệ sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại và các điều kiện tài chính thắt chặt. Hoạt động sản xuất sẽ vẫn yếu vào năm 2023. Niềm tin kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất vẫn tiêu cực, do các công ty tiếp tục đối mặt với nhu cầu suy giảm đối với hàng hóa sản xuất.
Nền kinh tế Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng vừa phải nhờ du lịch và tiêu dùng tư nhân. Tăng trưởng GDP thực tế của Thái Lan được dự báo đạt 3,3% trong năm 2023.
Hình 6. Dự báo tăng trưởng năm 2023 của một số quốc gia ASEAN
Nguồn: ADB
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan, Xin-ga-po lần lượt đạt 5,1%, 4,7%, 6,3%, 2,6%, 1,5%. Tăng trưởng Quý II/2023 so với quý trước của các quốc gia trên lần lượt là 0,7%, 2,0%, 0,5%, 1,4% và 0,2%.
6. Việt Nam
Dự báo của Ngân hàng Thế giới
Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, WB dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,0% trong năm 2023. Mặc dù lĩnh vực du lịch tiếp tục phục hồi (nhờ du khách Trung Quốc dần quay lại với đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam trước đại dịch), tăng trưởng của khu vực dịch vụ sẽ chững lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp sau dịch Covid-19 yếu đi. Nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát dự kiến cao hơn (bình quân 4,5%) trong năm 2023. Trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định.
Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á
Tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế phần nào do suy thoái toàn cầu, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt và tác động lan tỏa từ cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp giảm thiểu những trở ngại này và nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2023.
Đầu tư công sẽ là động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế vào năm 2023. Một lượng đáng kể đầu tư công dự kiến sẽ được giải ngân vào năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm 2023, trong đó 90% đã được phân bổ để giải ngân cho các bộ và tỉnh kể từ tháng 01/2023. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài sẽ vẫn bị cản trở bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Vốn FDI đăng ký mới và giải ngân trong hai tháng đầu năm giảm lần lượt là 38% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt ngân sách năm 2023 có thể vượt mục tiêu 4,4% GDP. Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục cải cách để tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu mỏ.
Về phía cầu, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2023. Du lịch hồi sinh, các chương trình kích cầu và đầu tư công mới được khởi công vào tháng 01/2022 và tăng lương có hiệu lực từ tháng 7/ 2023 dự kiến sẽ giúp tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng.
Chính sách cắt giảm lãi suất khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hành động vì thị trường vốn căng thẳng đã gây ra khủng hoảng tín dụng cho bất động sản và đánh vào niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý II/2023 của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đạt 3,5%.
Hình 7. Dự báo tăng trưởng Việt Nam của một số tổ chức quốc tế
Nguồn: WB, ADB
[1] Báo cáo toàn cầu hàng tháng, tháng 5/2023.
[2] Khoảng cách việc làm là một chỉ số mới do ILO xây dựng, phản ánh tất cả những người không có việc làm mong muốn tìm việc làm. Chỉ tiêu này cho biết rõ hơn về tình hình việc làm của phụ nữ so với chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp vẫn thường được sử dụng. Nguồn: https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_869930/lang-en/index.htm#:~:text=A%20new%20indicator%20developed%20by%20the%20ILO%2C%20the%20Jobs%20Gap,more%20commonly%20used%20unemployment%20rate.
[3] Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, tháng 6/2023.
[4] Báo cáo chính sách và triển vọng toàn cầu, tháng 4/2023.
[5] Nguồn: https://tradingeconomics.com/united-states/forecast cập nhật ngày 21/6/2023.
[6] Nguồn: https://tradingeconomics.com/euro-area/forecast cập nhật ngày 21/6/2023.
[7] Nguồn: https://tradingeconomics.com/japan/forecast cập nhật ngày 21/6/2023.
[8] Nguồn: https://tradingeconomics.com/china/forecast cập nhật ngày 21/6/2023.