TẬP ĐOÀN KINDNESS GROUP

EN VI

Chiến lược “thay máu” lãnh đạo cấp cao

(Kindnessgroup.vn)   –  Không thể phủ nhận vai trò của các CEO rất lớn trong việc đưa con tàu doanh nghiệp (DN) đi lên và phát triển trường tồn. Vì thế, trong giai đoạn khó khăn, nhiều DN đã thay đổi ghế nóng, tìm CEO phù hợp, có đủ khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong tình hình mới.

Chiến lược “thay máu” lãnh đạo cấp cao

Thay đổi lãnh đạo cấp cao

Từ đầu năm 2023, biến động ghế nóng lãnh đạo đã diễn ra ở hàng loạt tập đoàn và ngân hàng. Cùng với đó là hàng loạt kế hoạch kinh doanh với kỳ vọng giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn và tăng trưởng.

Từng công tác tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) với vị trí giám sát và chỉ huy phó từ năm 2004-2010, giữ chức chỉ huy trưởng và giám đốc một số dự án tiêu biểu như Vincom Tower, Sunrise Tower, Era Town… tham gia quản lý dự án của Hòa Bình tại Malaysia, mới đây ông Lê Văn Nam được Hòa Bình bổ nhiệm làm tổng giám đốc từ ngày 1/6/2023.

Cùng với việc bổ nhiệm ông Lê Văn Nam làm tổng giám đốc, Hòa Bình còn cử ông làm người đại diện phần vốn góp của Hòa Bình tại công ty con là Công ty CP Nhà Hòa Bình.

Trong bối cảnh kinh doanh lao dốc và lĩnh vực bất động sản khó khăn, cụ thể năm 2022, Công ty Bất động sản An Gia lãi chỉ 19 tỷ đồng, giảm 95,5% so với năm trước. Quý I/2023, công ty này chỉ thu về lợi nhuận hơn 4,6 tỷ đồng, tương đương 4% so với kế hoạch lợi nhuận năm (100 tỷ đồng). Trong đó, dòng tiền kinh doanh chính của An Gia đang âm 532,5 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 784,7 tỷ đồng nên công ty cũng có chiến lược thay đổi CEO tổng giám đốc mới là bà Huỳnh Thị Kim Ánh thay ông Nguyễn Bá Sáng.

Cùng chiến lược quản trị cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo cấp cao, bên cạnh việc cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động và thành công trong việc nâng vốn điều lệ lên hơn 26.220 tỷ đồng để đảm bảo điều kiện tiếp tục hoạt động kinh doanh hàng không, hãng hàng không Bamboo Airways cũng thay đổi chiến lược quản trị thông qua kế hoạch kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao.

Cụ thể, hãng bay này dự kiến miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với các CEO cấp cao và bầu mới 7 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ năm 2023-2028.

Trước đó, vào hồi tháng 5/2023, HĐQT Bamboo Airways đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Minh Hải kể từ ngày 24/5/2023, sau khi thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Mạnh Quân.

Theo Bamboo Airways, sự chuyển giao vị trí Tổng giám đốc Bamboo Airways từ ông Nguyễn Mạnh Quân sang ông Nguyễn Minh Hải là một phần trong tiến trình tái cấu trúc Bamboo Airways, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị – điều hành, nhằm hướng tới mở rộng thị trường và phát triển bền vững. Ngoài thay tổng giám đốc, hãng hàng không này cũng đang lên kế hoạch chiêu mộ hai cựu lãnh đạo cấp cao của Japan Airlines vào ban quản trị.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2023, Chủ tịch Bách Hóa Xanh Nguyễn Đức Tài cũng tuyên bố sẽ giao lại quyền điều hành chuỗi bán lẻ này cho ông Phạm Văn Trọng làm quyền CEO của chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh. Theo ông Tài, ông đã trực tiếp kèm cặp CEO Phạm Văn Trọng suốt 15 tháng qua trước khi bổ nhiệm và khi còn làm giám đốc khối vận hành, ông Trọng đã là dấu gạch nối quan trọng giữa đội mua hàng và bán hàng.

Thực tế, trong giai đoạn ông Tài điều hành, Bách Hóa Xanh đã trải qua một “cuộc đại phẫu” gồm thay đổi cách thức bố trí và sắp xếp cửa hàng, rà soát và xử lý hàng không hiệu quả, tái định vị thương hiệu từ cửa hàng hiện đại thành siêu thị mini. Từ hơn 2.100 cửa hàng, chuỗi này hiện còn 1.728 cửa hàng và dự kiến năm nay chưa mở rộng quy mô trở lại.

Tương tự các DN đang có chiến lược thay đổi nhân sự cấp cao để phù hợp tình hình và năng lực quản trị mới, vào tháng 2/2023, HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng công bố việc thay đổi và luân chuyển nhiều vị trí nhân sự cấp cao.

-4865-1688960176.jpg

Chiến lược quản trị của CEO mới

Ngay khi vừa đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Hòa Bình, ông Lê Văn Nam đã đưa ra kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn. Ông Nam cho biết, kế hoạch tái cấu trúc toàn diện tập đoàn đang được ông triển khai sẽ giúp Hòa Bình vượt qua cơn bão khó khăn, sớm ổn định và trở lại vị thế số một ngành xây dựng Việt Nam. Ông Nam khẳng định: Việc tái cấu trúc sẽ bắt đầu từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của Hòa Bình.

Bên cạnh đó, Hòa Bình tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới; định giá lại tài sản của công ty.

Cũng tại đại hội cổ đông vừa tổ chức mới đây, Hòa Bình đã thông qua nghị quyết bán 100% vốn tại Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec (công ty con, quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của tập đoàn) và một phần thiết bị khấu hao cho nhà đầu tư Ashita Group, với giá 1.100 tỷ đồng.

Ông Nam cho biết thêm, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tăng cường quản trị rủi ro cũng được tiến hành đồng thời cùng lúc với tài chính. Công ty sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại hệ thống quản lý, cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết trên tinh thần tinh gọn bộ máy quản lý và tăng năng suất lao động, tập trung mạnh vào công tác quản trị rủi ro để phát triển bền vững.

Hiện tại, nhiều bất động sản của Hòa Bình bao gồm nhà xưởng, văn phòng tại TP.HCM mua từ nhiều năm trước đang được CEO mới định giá lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế và hy vọng sẽ làm tăng thêm vốn chủ sở hữu cho công ty .

Vì vậy, chiến lược quản trị hiệu quả nhất trong tình huống này là Hòa Bình sẽ chỉ giữ lại các công ty có hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tiếp tục đầu tư cho công ty đó phát triển tiến đến mục tiêu IPO để mời gọi nhiều nhà đầu tư cùng tham gia sở hữu cổ phần. Đồng thời, chuyển bộ phận tài chính của tất cả công ty thành viên về ban tài chính của tập đoàn để quản lý tập trung và tăng cường quản trị rủi ro.

Với các nhà đầu tư và các đối tác của DN, họ kỳ vọng nếu các CEO mới có một chiến lược kinh doanh hợp lý và phù hợp sẽ mang lại những cải thiện rõ rệt trong quản trị DN cũng như việc thực hiện các dự án phát triển kinh doanh sẽ hiệu quả.ớc

Cùng chiến lược quản trị thay đổi lãnh đạo, một “bí quyết” quản trị khác đã giúp HBC thu phục được niềm tin của khách hàng, nhân sự và các cổ đông, đó là sự thành tâm nhận lỗi và tạo động lực để mọi người tin tưởng của người chèo lái con thuyền Hòa Bình – Chủ tịch Lê Viết Hải. Ông đã không ngần ngại nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và mong mỏi của cổ đông, cũng như “đã để xảy ra một số sự việc rất đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ban lãnh đạo và thương hiệu Hòa Bình”.

Chính lời trần tình từ trái tim và trách nhiệm của ông rằng, Hòa Bình lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện với quyết tâm đưa Hòa Bình vượt qua thách thức và khôi phục vị thế vốn có và “sau cơn mưa trời lại sáng”, đã tạo thêm sự đồng lòng tin tưởng, giúp Hòa Bình yên bình trở lại sau nhiều biến động, để chỉ còn tập trung vào chiến lược quản trị mới, cải tổ tập đoàn và thực thi các kế hoạch đang kỳ vọng giúp Hòa Bình thoát khó.

Minh chứng là ngày 23/6/2023, 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và thành công trong việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng.

Với cách quản trị mới và thay CEO mới, Hòa Bình đã có nhiều tín hiệu lạc quan con số giữ mục tiêu doanh thu 2023 đã xác định từ đầu năm là 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận 125 tỷ đồng được sự đồng thuận cao.

Với Công ty Bất động sản An Gia, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thử thách, tuy nhiên với việc thay đổi CEO mới, An Gia đang thực thi chiến lược cắt lỗ, thay đổi các phương thức quản trị không còn phù hợp và khả thi, tìm kiếm nhiều cơ hội để mở rộng quỹ đất trong giai đoạn khó khăn, vì đây cũng là thời điểm các quỹ đất có giá tốt.

Với một cuộc “đại tu” diện rộng, nhất là khi ban lãnh đạo và nhà đầu tư mới đã nắm rõ tình hình và có các động thái để đồng hành tháo gỡ khó khăn. Hãng hàng không Bamboo Airways đang áp dụng chiến lược vượt khó, tạo bước chuyển mình mới, bước vào một thời kỳ mới tập trung phát triển mạnh mẽ hơn theo chiều sâu, vươn mình trở thành thương hiệu hàng không châu Á.

Quả ngọt đầu tiên từ chiến lược thay máu nhân sự cấp cao này là đã tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư khi họ đồng thuận rót thêm gần 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, tái cơ cấu nguồn vốn, chuyển đổi nợ thành vốn chủ sở hữu để cân bằng các khoản lỗ, đưa vốn điều lệ của hãng trở về con số dương, đảm bảo Hãng tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Một thông tin cũng được tiết lộ, nếu Bamboo Airways thành công nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng, hãng bay này sẽ có thêm nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch đẩy mạnh phát triển đội bay, mở rộng mạng lưới đường bay, đặc biệt là với thị trường quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của hãng là vận chuyển hàng không.

Đồng thời, hãng sẽ tập trung tối ưu hóa chi phí thông qua việc xây dựng hệ sinh thái toàn diện bổ trợ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi. Ví dụ thành lập các công ty dịch vụ hàng không như công ty xăng dầu hàng không, công ty dịch vụ mặt đất hàng không, công ty suất ăn hàng không đã được triển khai ngay từ khi có sự tham gia và hỗ trợ nguồn lực của nhà đầu tư mới. Bamboo Airways cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động quản lý, khai thác, chăm sóc khách hàng…

Tiếp tục kế thừa chiến lược quản trị của người tiền nhiệm, CEO Phạm Văn Trọng của Bách Hóa Xanh cho biết, năm nay công ty sẽ tập trung vào phát triển ngành hàng thực phẩm tươi, xây dựng nền tảng vận hành và chuỗi cung ứng đặc biệt, đưa Bách Hóa Xanh thành trang thương mại điện tử số một trong ngành hàng tiêu dùng. Ông cũng cam kết hoàn thành các chỉ tiêu tài chính, trong đó có ghi nhận lợi nhuận vào quý IV.

Kỳ vọng vào sự dẫn dắt của CEO mới, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động hy vọng năm nay dù còn nhiều khó khăn nhưng chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp 20-25% vào mục tiêu doanh số 135.000-150.000 tỷ đồng của tập đoàn.

Năm 2022 dù sức mua thị trường giảm và nhiều khó khăn nhưng Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vẫn tiếp tục vượt cơn gió ngược để đạt doanh thu năm 2022 đạt 33,876 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần, lợi nhuận sau thuế đạt 1,811 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2017, trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp với nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống tăng tốc mở mới đạt gần 400 cửa hàng trên cả nước… Tất cả là nhờ  chiến lược đổi mới mô hình quản trị nhân sự, chiến lược phát triển năng lực tổ chức và chiến lược nhân sự.

-1377-1688960176.jpg

Chia sẻ tại đại hội cổ đông mới đây, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết: “Bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chiến lược của PNJ sau khi thay đổi và luân chuyển các lãnh đạo cấp cao nhằm phát triển các năng lực chiến lược, cập nhật chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2023-2027, hướng đến 2030 và từng bước tích hợp các hoạt động xã hội, các sáng kiến phát triển bền vững (ESG) vào chiến lược dài hạn của công ty, tăng tốc các mảng kinh doanh hiện hữu một cách bền vững và đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển các mảng mới một cách kịp thời, tiếp tục làm giàu tài sản quan hệ khách hàng, cũng như chọn lọc các quan hệ đối tác và hợp tác kinh doanh mang tính bền vững.

Ngoài ra, chiến lược quản trị theo ESG được công ty này thực thi bằng những sáng kiến đổi mới, vừa đảm bảo phát triển vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh ngay từ cấp đơn vị giúp tối đa hóa việc tiết kiệm nhiên liệu, tối ưu hóa quy trình, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tuần hoàn tái sử dụng nước tại nhà máy…

Theo chuyên gia quản trị Lê Phụng Hào – Chủ tịch Global AAA Consulting, việc các DN áp dụng chiến lược “thay máu” lãnh đạo cấp cao là cần thiết khi chiến lược kinh doanh của DN thay đổi. Một cuộc “thay máu” mạnh mẽ và quyết liệt với sự chuẩn bị thấu đáo, kỹ càng từ HĐQT sẽ là cơ sở vững chắc để  mang lại luồng gió mới phù hợp hơn trong tình hình mới.

Thực tế, quá trình tái cấu trúc công ty sẽ phải bỏ bớt một vài phòng ban, bộ phận nào đó nhưng với CEO cũ đã quen biết sẽ không tránh khỏi tâm lý e ngại. Vì thế, việc tái cấu trúc khó hiệu quả. Cũng có DN có chiến lược mở rộng kinh doanh, sản phẩm mới nhưng thế mạnh và năng lực CEO cũ không đáp ứng. Trước đây nhiều DN thuê CEO cấp cao với mức lương cao ngất ngưởng nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển, nay kinh tế khó khăn, việc thay CEO cũng là cách tối ưu hóa chi phí.

Trước lo ngại khi sự ra đi của các CEO cũ sẽ tạo sự xáo trộn tâm lý cho những người ở lại, nhưng chuyên gia này cũng khẳng định, một khi những người điều hành mới có đủ năng lực và khả năng để dẫn dắt con thuyền DN vượt qua khó khăn thì nỗi lo cũng sẽ không tồn tại. Thực tế trong những năm gần đây, khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhiều CEO không còn đủ sức chèo chống con thuyền kinh doanh cho DN, thậm chí gây ra sự chậm trễ cho nhiều dự án nên việc thay đổi chiến lược lãnh đạo mới, khoác cho họ sứ mệnh lớn hơn có thể giúp DN từng bước giải quyết thách thức này.

Theo doanhnhasaigon

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Chat Zalo facebook