TẬP ĐOÀN KINDNESS GROUP

EN VI

BÀN VỀ VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP TRONG CÁC CÔNG TY CỔ PHẦN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 I . Đặt vấn đề:

         (Kindnessgroup.vn) Quản trị doanh nghiệp (DN) đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển DN . Quản trị DN tạo ra một câú trúc, tổ chức DN hợp lý, phù hợp với đặc điểm, mục tiêu của DN. Quản trị DN tốt sẽ góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực của DN, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, hiệu quả tài chính cũng như tiết kiệm các yếu tố đầu vào để tăng lợi nhuận cho DN. Trong những năm gần đây việc cổ phần hóa DN nhà nước ở Việt nam ngày càng phát triển, đã đem lại một diện mạo mới cho các DN. Tuy nhiên, do công tác quản trị DN còn nhiều vấn đề bất cập nên hiệu quả hoạt động của các DN này còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực cũng như quá trình đầu tư của DN. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các DN Việt nam, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đi sâu phân tích một số vấn đề về quản trị DN trong các Công ty cổ phần ở Việt nam hiện nay.

II. Nội dung:

     1. Khái niệm về quản trị DN: Quản trị DN là một tiến trình thực hiện các hoạt động, phối hợp các hoạt động của nhiều người trong một tổ chức để đạt được những hiệu quả, mục tiêu đã đặt ra. Thông qua Công ty được điều hành và kiểm soát. Cơ cấu quản trị DN xác định quyền hạn và trách nhiệm giữa những thành viên khác nhau trong Công ty, bao gồm các cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và những người liên quan khác của Công ty.

Với khái niệm trên, có thể khẳng định rằng: Quản trị trong các DN nói chung và tại các công ty cổ phần ở Việt nam nói riêng có vai trò hết sức quan trọng và to lớn trong việc bảo đảm sự tồn tại và hoat động bình thường của các DN. Một DN không nhận thức rõ vai trò về quản trị đối với mọi hoạt động của DN chắc chắn DN đó sẽ bị thất bại trong hoạt động kinh doanh. Nhiều năm qua cho thấy, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các DN hoạt động kém hiệu quả là do khâu quản trị yếu kém. Trên thực tế nhiều nước có nền kinh tế phát triển như: Hàn Quốc; Nhật Bản; Trung Quốc… đều khẳng định rằng: Thất bại trong kinh doanh là do thiếu năng lực và thiếu kinh nghiệm quản trị. quản trị có khả năng sáng tạo to lớn. Điều đó có nghĩa là cùng với các điều kiện về con người và về vật chất kỹ thuật như nhau nhưng quản trị lại có thể khác nhau, đem lại hiệu quả kinh tế khác nhau. Một DN thực hiện tốt khâu quản trị không những mang lại nhiều lợi nhuận cho DN mà còn có ý nghĩa quan trọng góp phần đưa DN phát triển bền vững.

Để giúp các DN đạt được mục tiêu trong kinh doanh, đó là: Chi phí bỏ ra là thấp nhất nhưng chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như lợi nhuận đạt được của DN là cao nhất. Muốn đạt được mục tiêu đó thì công tác quản trị DN phải được các cấp quản lý trong DN hết sức quan tâm và coi đó là một công cụ quản lý hữu hiệu trong hệ thống công cụ quản lý của DN. Như vậy, quản trị giúp cho các DN thấy rõ mục tiêu và hướng đi của mình, đối phó được các thách thức do môi trường đem lại, tận dụng được các cơ hội, thế mạnh để khai thác có hiệu quả và mang lại nguồn lợi lớn cho DN.

Qua khảo sát thực tế các Công ty cổ phần ở Việt nam hiện nay cho thấy: Đại bộ phận các Công ty  hoạt động còn kém hiệu quả, các DN chưa nắm bắt được các cơ hội tốt cũng như những thách thức, nguy cơ từ môi trường kinh doanh mang lại, chính vì vậy mà việc thua lỗ của các DN ở thị trường trong nước khi Việt nam tham gia hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu là việc không tránh khỏi. Sự cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh có thể làm cho một số DN trong nước bị tụt hậu, dẫn đến phá sản. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản trị DN còn yếu kém cả về quy mô lẫn chất lượng quản trị. Để các DN tồn tại và đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đòi hỏi các DN phải đi sâu nghiên cứu nội dung của quản trị DN mà trong đó bộ phận quản trị chiến lược, quản trị tài chính và quản trị nhân sự là ba lĩnh vực quản trị quan trọng nhất trong quản trị DN, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của từng DN, cụ thể:

 Thứ nhất: Về công tác quản trị chiến lược:

           Quản trị chiến lược là tập hợp các quyết định và hành động quản trị quyết định sự thành công lâu dài của DN hay nói cách khác quản trị chiến lược là quá trình nghiên cứu các môi trường hiện tại cũng như tương lai, hoạch định các mục tiêu của tổ chức đề ra, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định nhằm đạt được các mục tiêu trong môi trường hiện tại cũng như tương lai.

Thật vậy, quản trị chiến lược được hiểu là việc quản trị tài nguyên trong hoạt động của một tổ chức nhằm đạt được mục tiêu lâu dài một cách hiệu quả nhất. Trong đó chiến lược là một xâu chuỗi, một loạt các hoạt động được thiết kế nhằm để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài so với các đối thủ.

Quản trị chiến lược có vai trò quan trọng quyết định sự thành, bại của DN. Một DN hoạt động mà không có chiến lược ví như một người đi đường mà không xác định được phương hướng đi đâu, về đâu. Vì vậy việc xây dựng chiến lược kinh doanh và kiểm soát chiến lược đó là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nội dung của quản trị chiến lược. Để thực hiện công tác quản trị chiến lược, các DN phải thực hiện các nội dung sau:

 Hoạch định chiến lược: Là quá trình thiết lập nhiệm vụ kinh doanh, thực hiện điều tra nghiên cứu để xác định các yếu tố khuyết điểm bên trong và bên ngoài, đề ra các mục tiêu dài hạn và lựa chọn các chiến lược thay thế. Giai đoạn này bao gồm các hoạt động, như: Nghiên cứu; hợp nhất trực giác và phân tích để từ đó đưa ra các quyết định quản trị phù hợp. Nội dung của hoạch định chiến lược, gồm:

–  Xác định chức năng, nhiệm vụ: Chức năng, nhiệm vụ là nền tảng cho sự ưu tiên những chiến lược, những kế hoạch và các bước công việc. Đây là điểm khởi đầu cho việc đề ra các công việc quản trị, là điểm khởi đầu để xây dựng nên những cơ cấu quản trị.

– Đánh giá môi trường bên ngoài: Là việc đề ra danh sách tóm gọn những cơ hội từ môi trường  mà DN nên nắm bắt, đồng thời là những nguy cơ từ môi trường mang lại, có thể gây ra những thách thức cho DN mà nó cần phải tránh.

– Đánh giá môi trường nội bộ: Là việc rà soát, đánh giá các mặt của DN, mối quan hệ giữa các bộ phận, chỉ ra những điểm mạnh cũng như các điểm yếu mà DN còn mắc phải, là tiền đề cho việc tận dụng và phát huy những mặt mạnh, hạn chế, khắc phục và sửa chữa những điểm yếu đang tồn tại.

– Phân tích và lựa chọn chiến lược: Là việc thiết lập nên các mục tiêu dài hạn và tạo ra các chiến lược thay thế, lựa chọn ra trong số đó một vài chiến lược để theo đuổi.

Thực thi chiến lược: Là động viên những người lao động và Ban giám đốc để biến những chiến lược được hoạch định thành hành động  cụ thể. Nội dung của thực thi chiến lược, bao gồm:

– Đề ra quyết định quản trị: Là việc xác định mục tiêu thường niên, phân bổ nguồn lực và điều chỉnh cấu trúc cho tương xứng với chiến lược.

– Thực thi chiến lược trong các lĩnh vực: Là việc thực thi chiến lược trong lĩnh vực Marketing, lĩnh vực tài chính, trong hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D ).

 Đánh giá chiến lược: Là việc xem xét lại những nhân tố bên trong và bên ngoài DN được sử dụng làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược hiện tại, đánh giá mức độ thực hiện và thực hiện những sửa đổi cần thiết. Đánh giá chiến lược là vấn đề sống còn đối với sự sống của một DN, những đánh giá đúng lúc có thể giúp báo động những nhà quản trị về các vấn đề kể cả khi nó đang ở dạng tiềm năng, chưa trở nên quá nghiêm trọng. Nội dung của đánh giá chiến lược, bao gồm: Xem xét lại chiến lược; Đánh giá lại chiến lược và thực hiện những sửa đổi cần thiết.  

  Thứ hai:  Về công tác quản trị tài chính: 

        Quản trị tài chính DN  thực chất là việc lựa chọn và đưa ra các quyết định tài chính, tổ chức thực hiện các quyết định đó nhằm đạt được mục tiêu hoạt động tài chính của DN, đó là tối đa hóa lợi nhuận, không ngừng làm tăng giá trị DN  và khả năng cạnh tranh của DN trên thương trường

Quản trị tài chính DN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong quản trị kinh doanh, có phạm vi rất rộng lớn, hiện hữu trong mọi hoạt động của DN, có tác động đến tất cả các hoạt động của DN. Hầu hết các quyết định quan trọng của lãnh đạo DN đều phải dựa trên những thông tin từ sự phân tích tình hình tài chính của DN để lựa chọn hình thức tổ chức DN, xây dựng chiến lược kinh doanh, đến việc thực hiện điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên.

Như vậy quản trị tài chính DN được hình thành để nghiên cứu, phân tích và xử lý các mối quan hệ tài chính trong DN, hình thành những công cụ quản lý tài chính và đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn và hiệu quả, hoạch định chiến lược tài chính của DN, đảm bảo đủ nguồn tài chính cho DN, huy động vốn với chi phí thấp nhất, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn vốn kinh doanh. Nội dung của quản trị tài chính, gồm:

– Tham gia đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư và kế hoạch kinh doanh: Việc xây dựng và lựa chọn các dự án đầu tư do nhiều bộ phận trong DN cùng phối hợp thực hiện. Trên góc độ tài chính, điểm cần xem xét là hiệu quả chủ yếu của tài chính nghĩa là cân nhắc giữa chi phí bỏ ra, những rủi ro có thể gặp phải và khả năng có thể thu lợi nhuận, khả năng thực hiện dự án. Trong việc phân tích, lựa chọn Nhà quản trị tài chính phải xem xét việc sử dụng vốn đầu tư như thế nào trên cơ sở tham gia đánh giá, lựa chọn dự án đầu tư, có xem xét đến khả năng cạnh tranh của DN, để đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế trước mắt cũng như lâu dài cho DN.

– Xác định nhu cầu vốn, tổ chức huy động các nguồn vốn để đáp ứng cho hoạt động của DN: Nhằm giúp cho DN đưa ra quyết định lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp, Nhà quản trị tài chính cần xem xét, cân nhắc trên nhiều mặt, như: Kết cấu vốn, chi phí cho việc sử dụng các nguồn vốn, những điểm lợi và bất lợi của các hình thức huy động vốn.

– Tổ chức sử dụng tốt số vốn hiện có, quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi, đảm bảo khả năng thanh toán của DN: Với nội dung này, Nhà quản trị tài chính phải tìm ra các biện pháp nhằm huy động tối đa số vốn hiện có vào hoạt động kinh doanh của DN, giải phóng  các nguồn vốn bị ứ đọng, theo dõi chặt chẽ và thực hiện thu hồi tiền bán hàng, các khoản thu khác, quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu, tìm mọi biện pháp lập lại sự cân đối  thu, chi bằng tiền, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sau cổ phần hóa  được hiệu quả.

– Thực hiện tốt việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của DN: Lợi nhuận là mục tiêu của hoạt động kinh doanh. Đây là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của DN, nên được các DN đặc biệt quan tâm. Để DN sau cổ phần hóa tồn tai và không ngừng phát triển, thì các Nhà quản trị tài chính phải nghiên cứu và vận dụng chế độ, chính sách một cách sáng tạo, nhằm phân chia lợi nhuận sau thuế một cách hợp lý vào các quỹ DN, đồng thời quản lý, sử dụng tốt các quỹ DN, góp phần vào việc phát triển và mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống của người lao động trong DN.

– Đảm bảo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với hoạt động của DN và thực hiện tốt việc phân tích tài chính của DN cổ phần hóa: Thông qua tình hình thu, chi tiền tệ hàng ngày, tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính, các Nhà quản trị tài chính phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động của DN, đồng thời định kỳ phải tiến hành phân tích tình hình tài chính của DN nhằm đánh giá điểm mạnh và những điểm yếu về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của DN, giúp cho lãnh đạo DN đưa ra những quyết định đúng đắn về sản xuất và tài chính, xây dựng được một kế hoạch tài chính khoa học, đảm bảo cho tài sản bằng tiền và nguồn tài chính của DN được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

– Thực hiện tốt kế hoạch hóa tài chính: Các hoạt động tài chính của DN cần được dự kiến trước thông qua việc lập kế hoạch tài chính. Thực hiện tốt việc lập kế hoạch tài chính là công cụ cần thiết giúp cho DN có thể chủ động đưa ra các giải pháp kịp thời khi có sự biến động của thị trường. Quá trình thực hiện kế hoạch tài chính cũng là quá trình ra quyết định tài chính thích hợp nhằm đạt tới mục tiêu của DN.

 Thứ ba:  Về công tác quản trị Nhân sự:

Quản trị nhân sự được hiểu là những tác động hợp quy luật của chủ thể quản lý nhân sự đến các khách thể quản lý nhân sự nhằm đạt được các mục tiêu quản lý nhân sự đã đề ra.

Thực chất của quản trị nhân sự là việc theo dõi, hướng dấn, điều chỉnh, kiểm tra sự trao đổi giữa con người với  các yếu tố vật chất của tự nhiên trong quá trình tạo ra của cải vật chất, tinh thần để thỏa mãn nhu cầu của con người nhằm duy trì, bảo vệ, sử dụng và phát triển tiềm năng vô hạn của con người. Nội dung quản trị nhân sự, gồm:

– Phân tích công việc: Là việc xác định nội dung đặc điểm của từng công việc, đánh giá tầm quan trọng của nó và đưa ra các yêu cầu cần thiết đối với người thực hiện.

– Tuyển dụng nhân sự: là việc chiêu mộ và chọn ra những người có khả năng thực hiện công việc.

– Đào tạo và phát triển nhân sự: Giúp cho người lao động xác định được mục tiêu, hướng đi của mình, tạo môi trường thuận lợi để người lao động làm tốt công việc được giao.

– Sắp xếp và sử dụng người lao động: Nhằm đảm bảo sự phù hợp, sự tương xứng giữa công việc và người thực hiện công việc. Đảm bảo mọi công việc được thực hiện một cách tốt nhất.

– Đánh giá và đãi ngộ nhân sự: Nhằm kích thích người lao động không ngừng nâng cao năng xuất lao động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt mục tiêu mà DN đã đề ra.

Như vậy quản trị nhân sự tốt sẽ giúp cho các Công ty cổ phần có một cơ cấu lao động hợp lý, tiết kiệm được chi phí lao động sống trong giá thành sản phẩm, góp phần tăng tích lũy cho DN cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

III. Kết luận:

Để các Công ty cổ phần  ở Việt nam phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế thì các Công ty phải thực hiện tốt vấn đề quản trị doanh nghiệp mà trong đó trọng tâm là quản trị chiến lược, quản trị tài chính và quản trị nhân sự.

Theo moitruongdothi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện cho tôi Chat Zalo facebook